Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Bài thơ “ Giải phóng” của Xuân Hiểu 
                  & lời bình của Xuân Ngọc
                                Bài Thơ:

Giải phóng rồi!
Giải phóng rồi!
Chỉ có thế thôi
Lặp đi lặp lại
Mấy mươi năm đã trải
         Xương bạn – Da tôi – Máu anh – Máu chị…
                                         hòa cùng non nước niềm vui
Giải phóng rồi!
Giải phóng rồi!
Lòng cha se lại
Nước mắt mẹ trôi…
               Theo sông ra biển mặn mòi.
Giải phóng rồi!
Giải phóng rồi!
Mấy vạn trẻ em…
               Chờ quà chiến thắng
Mấy trăm khăn trắng…
                Trên đầu em tôi
Để chỉ thế thôi…
                Quê ta giải phóng

Lời bình bài thơ

Giải phóng rồi!*
Giải phóng rồi!
Một cụm từ quá ư đơn giản, vâng! quá đơn giản. Vậy mà vì cụm từ này suốt 30 năm dài người dân Việt Nam nói chung các chiến sỹ quân giải phóng Miền Nam, Các ông bố, bà mẹ, những người chị người em nói riêng đã phải gồng mình lên và chịu bao khó khăn gian khổ, bao mất mát hy sinh. Biết bao người con ưu tú của đất Việt đã không thể trở về sau ngày giải phóng. Máu xương da thịt của họ đã hòa cùng đất nước từ Đường Chín , Khe Xanh đến Đồng Xoài, Đất Mũi. Từ khắp các ngả đường Trường Sơn đến các vùng Đồng Tháp, Bưng Biền. Những con người bất khuất, kiên trung đã góp phần viết lên bản hùng ca chói lọi nhất của dân tộc, của nhân loại. Họ đã chấp nhận mọi sự hy sinh chỉ để đổi lấy cụm từ “Quê ta giải phóng!”.
Giải phóng rồi!
Giải phóng rồi!
Đằng sau nỗi vui mừng khôn siết của cả một dân tộc trong ngày chiến thắng, chúng ta thấy rất rõ ở đâu đó là sự trầm ngâm của những người cha mất con, những dòng nước mắt tiếc thương của những người mẹ, người chị khóc những người thân yêu của mình tuôn ...  theo sông ra biển mặn mòi.
Đằng sau nỗi vui mừng khôn siết của cả một dân tộc trong ngày chiến thắng, chúng ta cũng thấy rất rõ những ánh mắt trẻ thơ mong ngóng sự trở về của những người mà được chúng gọi là cha, những vành khăn trắng trên đầu các chị, các em không ra trận nhưng cũng có thể được goi là Liệt Nữ khi đất nước được “Giải phóng rồi” Nhưng riêng họ thì lại vĩnh viễn mất đi một nửa giấu yêu, thiêng liêng nhất của mỗi một cuộc đời đó là: Máu xương da thịt của những người chồng thân yêu của họ.
Bài thơ ngắn, viết theo thể tự do, nhịp thơ hai – hai mạnh mẽ được viết ngay trong ngày chiến tháng 30 tháng tư năm 1975 của Xuân Hiểu như một sự tổng kết khắc nghiệt. nó nói lên cái giá của ba từ đơn giản “ Giải phóng rồi!” Nhưng nếu ta dừng lại ngẫm sâu thì quả là chẳng đơn giản chút nào. Thậm chí người đọc còn cảm thấy nghẹn ngào xúc động.
Ôi! Một “nhà thơ”không chuyên mà đôi lúc cũng tỏa sáng đến… ngỡ ngàng.
Tôi nghĩ! "Xuân Hiểu" là một người có tài khi anh cầm bút viết thơ.

                                                                           Xuân Ngọc

*Những chữ in nghiêng là lời của bài thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét